Khoa học phải từ nhân dân và quay trở lại phục vụ nhân dân

Những lời Chủ tịch Hồ Chí Minh dặn dò đối với ngành khoa học công nghệ, cùng với mục tiêu đến năm 2020 Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, đây là thách thức rất lớn đối với ngành khoa học và công nghệ.
Ảnh:congdoankontum.vn.

Ngay từ những ngày đầu Cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trọng dụng các nhà khoa học, trí thức nói chung. Theo tiếng gọi của dân tộc, của thời đại, đặc biệt là sức cảm hóa lớn của Hồ Chí Minh, những tri thức “lớn” đã từ bỏ nhà cao, cửa rộng… từ khắp mọi miền như: Hà Nội, Sài Gòn thậm chí cả Paris, Tokyo... tự nguyện lên núi rừng Việt Bắc tham gia kháng chiến. Những nhà khoa học, những trí thức thời đó đã có đóng góp lớn lao cho cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ như: Giáo sư Trần Đại Nghĩa, Giáo sư Tạ Quang Bửu, Giáo sư Nguyễn Văn Huyên,  Giáo sư Nguyễn Mạnh Tường…

Sự đóng góp của các trí thức theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh là hết sức lớn lao. Trong số ấy, nhiều người sau này được giao những trọng trách cao trong Chính phủ, nhiều người giành được những giải thưởng lớn của Nhà nước về khoa học và công nghệ. Cùng với khoa học công nghệ, Người cũng chú trọng phát triển giáo dục, vì nền giáo dục mạnh là nền tảng thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ.

Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong những năm qua Việt Nam đã chú trọng và tiếp tục tôn vinh các nhà khoa học, thúc đẩy sự phát triển nền khoa học và công nghệ nước nhà. Đáng chú ý là ngày 30-7-2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 78/2014/NĐ-CP về Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước và các Giải thưởng khác về khoa học và công nghệ. Đây là hai giải thưởng cao quý mà Đảng và Nhà nước trao tặng các tác giả có công trình, cụm công trình có giá trị cao về khoa học và công nghệ. Các công trình này là công trình tiêu biểu, có hiệu quả kinh tế - xã hội, có ảnh hưởng rộng lớn, lâu dài trong đời sống, là kết quả của sự dày công nghiên cứu, cống hiến trí tuệ và tài năng của các nhà khoa học phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Theo ông Chu Tuấn Nhạ, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường (nay là Bộ Khoa học và Công nghệ), mặc dù khoa học công nghệ được chú trọng rất sớm nhưng ngành khoa học công nghệ vẫn chưa tạo ra sự bứt phá. Do bị ảnh hưởng bởi chế độ “quân bình”, nên chế độ đãi ngộ không khuyến khích phát huy hết tài năng của các nhà khoa học.

Đối với tổ chức khoa học và công nghệ, bước đầu đã thay đổi khi đẩy mạnh tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Hiện nhiều tổ chức khoa học công nghệ đã thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, điều này sẽ phát huy được tài năng của nhà khoa học khi nhà khoa học thực sự được trọng dụng.

Khoa học công nghệ phải phát triển mạnh mới thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, trong Nghị quyết của Đảng đã nhấn mạnh đến việc phát triển thị trường khoa học công nghệ. Nói đến thị trường thì cần phải có chính sách để kích cầu, để có người mua là các doanh nghiệp. Nhưng để có người mua thì các doanh nghiệp cần phải cạnh tranh lành mạnh thì mới thúc đẩy đổi mới công nghệ, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Ngày 18-5-1963, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến dự và phát biểu tại tại Đại hội lần thứ nhất của Hội phổ biến Khoa học và kỹ thuật toàn quốc. Người nhấn mạnh: Khoa học phải từ nhân dân và quay trở lại phục vụ nhân dân, phục vụ công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước, đảm bảo an ninh quốc phòng. Thực tế, trình độ khoa học công nghệ thời đó của nước ta còn thấp, phong tục tập quán của người dân còn lạc hậu. Vì thế, các nhà khoa học phải đem hiểu biết của mình, tuyên truyền quảng bá rộng rãi cho nhân dân với mục tiêu làm cho dân giàu, nước mạnh, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Từ lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhà nước ta đã chính thức chọn ngày 18-5 hàng năm là ngày khoa học và công nghệ.

Những lời Chủ tịch Hồ Chí Minh dặn dò đối với ngành khoa học công nghệ, cùng với mục tiêu đến năm 2020 Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, đây là thách thức rất lớn đối với ngành khoa học và công nghệ. Để đạt được điều này, cần tăng cường đầu tư cho khoa học và công nghệ, đồng thời cần có chính sách, cơ chế để tăng đầu tư cho khoa học công nghệ từ xã hội, đạt mức ngang bằng với quốc tế.

Cũng theo ông Chu Tuấn Nhạ, cơ chế quản lý khoa học công nghệ hiện nay vẫn bị ảnh hưởng từ thời bao cấp theo cơ chế chỉ huy, kế hoạch hóa tập trung nên không phù hợp với hoạt động khoa học công nghệ. Để khoa học công nghệ thực sự bứt phá cần đổi mới cơ chế hoạt động khoa học công nghệ, đặc biệt là đổi mới mạnh mẽ cơ chế tài chính để tránh thất thoát vốn và đạt hiệu quả cao.

Ông Chu Tuấn Nhạ cũng cho rằng: Trong thời đại hiện nay, nói đến phát triển phải nói đến hội nhập, khi hội nhập phải chú trọng tới hội nhập, hợp tác quốc tế về khoa  học và công nghệ, để theo kịp và đổi mới cùng thế giới. Trong hợp tác quốc tế của Việt Nam trước kia, thường kêu gọi quốc tế trợ giúp, nhưng nay phải có tư duy mới, cơ chế mới để thúc đẩy hợp tác theo hướng hai bên cùng có lợi. Trong hợp tác quốc tế về khoa học công nghệ, phải tiếp cận với thị trường công nghệ cao hiện nay như: Mỹ, Tây Âu và Nhật Bản. Có như vậy, Việt Nam mới có triển vọng tiến nhanh, tăng trưởng mạnh về kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng.